Đại chiến Người và Thần là bộ manga được vô số độc giả yêu mến bởi những cốt truyện độc đáo, mới mẻ và những pha đánh đấm vô cùng gay cấn và mãn nhãn. Đây chắc chắn là bộ manga mà bạn nên đọc thử một lần trong đời nếu bạn cũng từng tò mò: “Sẽ thế nào nếu con người và thần thánh đấu tay đôi”.
Tuy nhiên, từ sau khi được chuyển thể sang anime, rất nhiều người cho rằng anime đang làm xấu đi hình ảnh nguyên tác trong mắt đại chúng. Thậm chí một số bộ phận người hâm mộ còn tuyên bố thà xem trình chiếu powerpoint còn hơn xem anime. Nguyên nhân đằng sau sự việc này là gì, hãy cùng Hobiverse tìm hiểu nhé!
Tóm tắt cốt truyện Đại chiến Người và Thần (Shuumatsu No Valkyrie)
Đại chiến Người và Thần (Tên tiếng anh: Record Of Ragnarok) là tác phẩm được sáng tác bởi tác giả Fukui Takumi và Shinya Umemura. Manga được phát hành định kỳ mỗi tháng trên tạp chí Comic Comic Zenon của Nhật Bản. Bộ manga lấy bối cảnh ở thiên giới, nơi được trị vì bởi các vị thần của các nền văn hóa và tôn giáo trên thế giới dưới sự đứng đầu của thần Zeus.
Cứ mỗi 1000 năm, các vị thần sẽ đến họp mặt tại cung điện Valhalla để bàn về sự tồn tại của con người. Sau hàng ngàn năm không ngừng dẫn dắt thế giới phát triển, các vị thần cảm thấy rằng loài người đang ngày càng tha hóa và xấu xí. Vậy nên họ đồng thuận sẽ chấm dứt sự sống của loài người.
Các vị thần nắm trong tay quyền sinh sát của thế giới loài người
Trước lúc quyết định được đưa ra, một trong 13 Valkyrie trong thần thoại Bắc Âu, Brunhilde đã kêu gọi tổ chức một trận Ragnarok giữa người và thần với mục tiêu cứu rỗi sự tồn tại nhân loại. Cô đã tự mình chọn ra 13 con người mạnh nhất trong lịch sử nhân loại để chiến đấu 1-1 với các vị thần. Ngoài ra, để thế trận trở nên cân bằng, Brunhilde cùng các chị em Valkyrie sẵn sàng biến thành vũ khí để hỗ trợ nhân loại chiến đấu.
Brunhilde đã tranh thủ cơ hội sống cho nhân loại thông qua cuộc chiến giữa người và thần
Dù vẫn theo mô típ shounen chiến đấu xưa cũ, nhưng không thể phủ nhận rằng các cảnh chiến đấu nảy lửa trong manga Đại chiến Người và Thần đã gây nên những tiếng vang lớn, được đông đảo cộng đồng yêu thích manga đón nhận. Những tưởng rằng khi được chuyển thể, chúng ta sẽ có thêm một siêu phẩm anime, nhưng sự thật phũ phàng khiến fan nguyên tác chỉ muốn “đấm cho studio một trận”.
Các tình tiết trong anime bị kéo dài
Nguyên tác của Đại chiến Người và Thần ghi điểm nhờ những cuộc chiến nảy lửa giữa người thường và thần thánh để quyết định xem nhân loại có được phép tồn tại hay không. Hiện nay, diễn biến của manga đang hoàn toàn bất lợi với nhân loại khi các vị thần đang dẫn trước 1 trận thắng. Chỉ cần thêm 2 lần thua nữa là nhân loại sẽ diệt vong. Dù cho mạch truyện tương đối nhanh nhưng vẫn có đầy đủ đất diễn cho từng nhân vật nhờ vào sự lồng ghép khéo léo và sắp xếp tài tình của tác giả.
Trận chiến giữa Vua Leonidas và Thần Mặt Trời Apollo trong chương mới nhất
Tuy nhiên, anime chuyển thể lại không phát huy được điều này. Thay vào đó, diễn biến trong phim đi khá chậm. Điển hình như trận đấu đầu tiên là của Lữ Bố và Thần Sấm Thor. Trận tiên phong đáng ra sẽ là trận đáng chú ý nhất, để độc giả phần nào hiểu được phong cách chiến đấu của cả 2 bên, thế nhưng anime cho 2 đấu thủ cả tập 2 chỉ để… hồi tưởng.
Trận tiên phong trong anime kéo dài đến 4 tập
Trong khi trong manga Đại chiến Người và Thần, phần hồi tưởng chỉ kéo dài chưa đến 1 chương mà thôi. Có lẽ nhà sản xuất muốn để lại những nội dung cuốn hút nhất cho mùa 2, nhưng cách làm khiến phần 1 mất điểm trong mắt người hâm mộ bởi vô cùng lê thê, lan man và chán.
Slow-motion ở mọi nơi
Nhiều người xem phàn nàn về việc họ cảm thấy như đang xem một bộ phim truyền hình Ấn Độ vì số lượng cảnh sử dụng hiệu ứng slow-motion quá nhiều. Những pha hành động hấp dẫn trong truyện trở nên đứt đoạn bởi việc lạm dụng hiệu ứng slow-motion, stop motion hệt như trình chiếu slide vậy. Điều này khiến khán giả vô cùng khó chịu khi cảm thấy như mình ngủ được cả giấc rồi thì nhân vật chỉ vừa mới vung được vũ khí lên.
Nét vẽ thiếu chỉn chu, qua loa khiến người xem vô cùng tức giận
Cách dẫn dắt quá chán
Ngoài đánh đấm, yếu tố hấp dẫn ở manga gốc còn nằm ở những đoạn đối thoại đầy triết lý để con người bào chữa cho bản thân cũng như thuyết phục các vị thần từ bỏ ý định hủy diệt thế giới. Tuy nhiên trong anime, cảnh chiến đấu bị cường điệu hóa đến mức “lố”, lời thuyết minh để giới thiệu về nhân vật trong lịch sử hay các vị thần cũng có phần lê thê, tẻ ngắt.
Cảnh chiến đấu màu mè nhưng lại không hề trơn tru, mượt mà
Bên cạnh đó, trong các trận chiến, thay vì đặc tả trận đấu, anime lại tập trung vào những đoạn hồi tưởng rời rạc, liệt kê mặt của từng người trong nhà nhân vật. Song song đó, thời lượng để chiếu biểu cảm của những người trong trận đấu cũng khá nhiều. Những gì người hâm mộ cần là cảnh đánh nhau cực đỉnh, chứ chả phải reaction của khán giả tại hiện trường.
Thay vì xem đánh nhau, chúng ta phải xem reaction của khán giả tại hiện trường
Nếu bạn muốn tận hưởng bộ Đại chiến Người và Thần một cách đúng nghĩa, Hobiverse kiến nghị bạn nên xem manga thay vì anime. Những trận chiến kịch liệt của con người trước các vị thần để giành lấy cơ hội sống sót cho cả nhân loại chắc chắn sẽ khiến bạn phải hồi hộp qua từng trang truyện.